Dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Thuận – giảng viên Học viện Dân tộc, Workshop không chỉ là một sự kiện học thuật, mà còn là minh chứng cho khát vọng giữ gìgìn văn hóa của thế hệ trẻ – những người mang trong mình hoài bão kết nối truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập.
Mỗi dân tộc tồn tại không chỉ bởi lãnh thổ hay ngôn ngữ, mà bởi những giá trị tinh thần kết tinh qua hàng trăm năm, những nét văn hóa vừa riêng biệt, vừa giản dị mà sâu sắc. Văn hóa không nằm yên trong những cuốn sách, mà hiện diện trong từng câu chuyện được kể, trong nghi thức truyền đời, trong cách con người sống, giao tiếp và hiểu nhau.
Workshop “Bản sắc văn hóa, kết nối vươn xa” đã chọn chính tinh thần ấy làm cốt lõi. Từ cách lựa chọn nội dung, đến sự đầu tư kỹ lưỡng trong từng tiết mục biểu diễn và thuyết trình, sinh viên đã thổi hồn vào sự kiện bằng chính sự hiểu biết, đam mê và cả tinh thần trách nhiệm đối với di sản văn hóa của dân tộc mình.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt là phần tái hiện nghi lễ truyền thống “Bóc trứng, sâu chỉ hồng” của người Sán Dìu – biểu tượng gắn liền với hạnh phúc và khởi đầu viên mãn trong hôn nhân. Không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại mà các bạn sinh viên còn phân tích ý nghĩa biểu tượng, liên hệ với đời sống đương đại và khơi gợi nhận thức về việc gìn giữ nghi lễ trong dòng chảy hiện đại hóa.
Sự kiện vinh dự có sự tham gia của nhiều diễn giả giàu trải nghiệm và tâm huyết, như:
TS. Trần Quốc Hùng - Giảng viên Học viện Dân tộc
Luật gia, Nhà báo Cao Tuấn Ninh - Báo Dân tộc và Phát triển
Anh Hồ Văn Đôi - Sinh viên Khóa 1 ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Phát biểu tại chương trình, các diễn giả đã mang đến những góc nhìn đa chiều về vai trò và giá trị của văn hóa trong đời sống hiện đại. Nhà Báo Cao Tuấn Ninh chia sẻ sự ấn tượng trước tinh thần sáng tạo, chuyên nghiệp của sinh viên: “Tôi đã đến Học viện Dân tộc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tham dự một Workshop do sinh viên tổ chức. Tôi thực sự cảm nhận được sự đầu tư nghiêm túc, cách thể hiện đầy sáng tạo và những câu chuyện văn hóa được kể bằng cảm xúc và chiều sâu.” Ông cũng chia sẻ nhiều trải nghiệm thực tế khi làm việc tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về những nét đẹp văn hóa đang cần được bảo tồn.
TS. Trần Quốc Hùng tiếp nối bằng một góc nhìn sâu sắc: “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Giữ gìn bản sắc không có nghĩa là đóng khung truyền thống, mà là làm sao để nó sống được giữa thời đại mới. Các bạn sinh viên hôm nay đã làm được điều đó - không chỉ bằng kiến thức, mà bằng tình yêu thật sự.”
Điểm nổi bật của Workshop là cách sinh viên chủ động biến tri thức thành trải nghiệm. Không đơn thuần là những bài thuyết trình hay nghe kể, chương trình mang đến một không gian mở, nơi văn hóa được “sống lại” qua những hình thức đa dạng như xem lại video mô phỏng phong tục dân tộc, biểu diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi khám phá kiến thức về dân tộc và phần giao lưu đối thoại giữa các sinh viên.
Bằng việc khuyến khích mỗi sinh viên tự kể câu chuyện văn hóa dân tộc mình qua lăng kính sáng tạo, Workshop không chỉ lan tỏa thông tin, mà còn khơi gợi cảm xúc, ý thức và niềm tự hào nguồn cội - điều mà giáo dục văn hóa hướng đến nhưng đôi khi chưa làm được một cách sâu sắc trong giảng đường.
"Bản sắc không nằm ở những gì cố định, mà ở cách chúng ta thổi hồn vào nó mỗi ngày" - câu nói tưởng chừng giản dị ấy đã trở thành thông điệp dẫn dắt toàn bộ chương trình. Và đúng như vậy, những gì sinh viên thể hiện hôm ấy không phải là một bản diễn văn hô hào, mà là hành động cụ thể, sinh động và truyền cảm.
Sự kiện kết thúc trong những cái bắt tay, nụ cười và ánh mắt đầy kỳ vọng. Nhưng dư âm của nó không dừng lại ở sân khấu. Đó là sự tự tin dâng lên trong lòng mỗi sinh viên khi họ nhận ra: mình có thể là người kể chuyện văn hóa bằng chính phong cách của thế hệ mới. Và chính từ những sự kiện như vậy, một lớp người trẻ đang hình thành: biết mình là ai, đến từ đâu và sẽ mang gì ra thế giới.
Workshop “Bản sắc văn hóa, kết nối vươn xa” là một lát cắt tiêu biểu của hành trình giáo dục gắn với bản sắc, một lời nhắc nhở rằng: giữ gìn văn hóa không phải để hoài niệm quá khứ, mà để làm chủ tương lai bằng nền tảng vững chắc từ cội nguồn. Và trong câu chuyện ấy, người trẻ - đặc biệt là sinh viên dân tộc thiểu số - chính là những “người giữ lửa” đầy bản lĩnh và cảm hứng.
Tác giả: Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn